Bố mẹ cần lắng nghe con như thế nào?

“Người lớn đã từng là trẻ em, nhưng trẻ em thì chưa từng làm người lớn”, dù là trong sinh hoạt hằng ngày, học tập, vui chơi hay đời sống tinh thần, thì con bạn cũng rất cần nhận được sự lắng nghe và chia sẻ từ bố mẹ.

Bản thân mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã là một cá thể riêng biệt, mỗi con sẽ có những tính cách và thói quen, tố chất khác nhau. Bởi vậy, cách dạy dỗ đối vói mỗi đứa trẻ cũng khác nhau. Chúng ta không thể áp sở thích, đường hướng học tập của trẻ này lên trẻ khác. Chúng ta không thể để một đứa trẻ thích vận động ngồi một chỗ làm thơ, hay bắt một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật phải học tốt về các con số. Nếu như không lắng nghe, không trò chuyện với con, thì vô tình cha mẹ đang kìm hãm những ước mơ của con. Bởi vậy, là cha mẹ bạn nên học cách lắng nghe con trẻ.

Khi bạn thật sự lắng nghe con cái, chúng sẽ dần dần học được cách chia sẻ những khúc mắc, hy vọng và mong muốn của mình với bạn. Dù cha mẹ có trò chuyện tán gẫu với con về bất cứ vấn đề gì thì đó cũng là một cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ đối với trẻ. Kỳ thực, con trẻ suy nghĩ vô cùng đơn giản, chúng chỉ muốn hằng ngày cha mẹ quan tâm tới mình nhiều hơn, trò chuyện với mình nhiều hơn. Cho dù đó chỉ là một số chuyện vặt.

Lắng nghe con như thế nào cho đúng? Dưới đây là một số chìa khóa giúp bố mẹ có được kỹ năng lắng nghe và trò chuyện cùng con:

1. Lắng nghe một cách chân thành

Khi nói chuyện với con, bạn hãy thể hiện sự chân thành, sự tôn trọng và thái độ nghiêm túc khi lắng nghe. Tuyệt đối đừng nói chuyện riêng hay ngắt lời con. Hãy để con được nói hết suy nghĩ của mình trước khi cha mẹ muốn bày tỏ ý kiến riêng. Và đáp lại con bằng cách gật đầu, hướng người về phía trước hay mỉm cười là dấu hiệu cho thấy bạn đang lắng nghe con một cách chăm chú. Đây cũng là biểu hiện sự tôn trọng con, giúp con có thêm sự tin tưởng để giao tiếp đạt hiệu quả tốt hơn.

2. Tập trung vào cuộc trò chuyện với con

Giao tiếp là một quá trình tương tác hai chiều chứ không phải cuộc độc thoại cá nhân. Bởi vậy, khi ngồi xuống nói chuyện với con, cha mẹ hãy đảm bảo rằng không có gì có thể gây gián đoạn cuộc hội thoại. Hãy hoàn toàn tập trung vào con. Không nên trả lời điện thoại, xem tin nhắn hay tivi khi con đang nói. Điều đó dạy con rằng: trong một cuộc giao tiếp, ai cũng cần được tôn trọng. Và con sẽ cảm thấy những tâm tư của mình thực sự quan trọng với cha mẹ, sẽ giúp con mở lòng hơn rất nhiều.

3. Chọn kênh kết nối phù hợp

Mỗi đứa trẻ có một tính cách khác nhau, muốn làm được điều này phụ huynh cần lựa chọn cách trò chuyện phù hợp với trẻ dựa trên đặc điểm tính cách của nó. Ở đây chúng ta có hai cách. Một là cách nói thẳng: Cha mẹ thẳng thắn cho trẻ biết rõ Thái độ của mình về vấn đề cần bạn. Ưu điểm của phương pháp này là đi thẳng vào vấn đề, tuy nhiên nó chỉ thích hợp với những đứa trẻ có tính cách hướng ngoại. Cách gián tiếp: Cha mẹ dùng một câu chuyện nhỏ hoặc một ví dụ nào đó khơi gợi hứng thú trò chuyện của trẻ sau đó dẫn dắt cuộc nói chuyện vào chủ đề cần trao đổi.

4. Lắng nghe ý kiến của con trên nhiều phương diện

Phụ huynh thu thập tư liệu về trẻ trên nhiều phương diện có thể tránh được cái nhìn chủ quan, phiến diện về con, qua đó giúp họ nhận ra vấn đề bản thân mình thường xem nhẹ, bỏ qua. Với trẻ, thầy cô giáo là người chúng tin tưởng nhất, còn bạn bè là người thân thiết nhất. Cho nên thu thập tư liệu từ thầy cô giáo, bạn bè của trẻ là lựa chọn đúng đắn nhất của các bậc cha mẹ.

5. Tôn trọng tình cảm của con và nghiêm túc lắng nghe câu chuyện của con

Sau mỗi buổi tan trường về nhà, con có rất nhiều câu chuyện muốn chia sẻ với bố mẹ, rằng hôm nay trên đường đi học về con thấy chuyện này thú vị, hay trên lớp bạn bè con chơi đùa như thế nào, … Bởi vậy, dù công việc có bận mải đến đâu, có mệt mỏi hay thực chất những câu chuyện của con có nhỏ nhặt, không thực sự thú vị với bố mẹ thì bố mẹ vẫn nên nhẫn nại ngồi nghe con nói đồng thời ghi nhận đánh giá và cổ vũ khuyến khích con một cách thật lòng.

6. Tạo bầu không khí thân ái, dễ chịu

Rất nhiều bậc phụ huynh bình thường rất ít khi trò chuyện, trao đổi với con, nhưng khi có vấn đề xảy ra, họ lại nghiêm khắc răn dạy trẻ, cứ như vậy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một lớn hơn. Vì vậy, muốn cuộc trò chuyện với trẻ đạt hiệu quả tốt hơn, cha mẹ cần tạo bầu không khí thân mật, gần gũi, pha trò, kể vài chuyện thú vị nhằm rút ngắn khoảng cách tình cảm giữa hai bên.

Theo chametoannang.com

Như bạn biết đó, trẻ con cũng có tình cảm và thế giới nội tâm riêng và luôn mong muốn được cha mẹ thấu hiểu. Bởi vậy, bạn hãy dành nhiều thời gian hơn cho con và rèn luyện kỹ năng lắng nghe, nói chuyện với con để hiểu hơn về các bé. Chúc gia đình bạn luôn có những phút giây hạnh phúc bên nhau!