Ưu tiên hỗ trợ phát triển giáo dục

uu tien dau tu giao duc

Hằng năm, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) luôn dành ngân sách đáng kể, có khi lên đến hàng chục triệu USD, cho rất nhiều dự án phát triển giáo dục ở Việt Nam.

lui-thi-khoa-hoc-quoc-gia-17-2

Trong các hoạt động hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam thông qua USAID, giáo dục luôn nằm trong nhóm được ưu tiên hàng đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Ann Marie Yastishock, giám đốc USAID Việt Nam, cho biết USAID sẽ đồng hành lâu dài cùng Việt Nam hiện đại hóa giáo dục ĐH với các lĩnh vực ưu tiên là giáo dục khai phóng, công nghệ – kỹ thuật và y khoa.

Kiến tạo nguồn nhân lực cạnh tranh

* Bà vừa tham dự lễ khai giảng của ĐH Fulbright Việt Nam (FUV), ngôi trường được xây dựng trên mối quan hệ hữu nghị Mỹ – Việt. Trong buổi lễ đặc biệt khi TP.HCM vừa kết thúc đợt giãn cách “lịch sử”, bà có cảm nhận thế nào?

– Trước hết, tôi rất lạc quan về việc mở cửa trở lại cũng như những điều chỉnh cần thiết cho trạng thái “bình thường mới”. TP.HCM và các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát dịch gần đây nhưng tôi nhận thấy Chính phủ đã rất mạnh mẽ và bền bỉ trong “cuộc chiến” chống COVID-19.

Lễ khai giảng của FUV chính là một minh chứng cho việc mở cửa trở lại, vì vậy sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt. Gặp gỡ các bạn sinh viên trẻ, nhất là những sinh viên ưu tú của FUV, đã mang lại cho tôi nhiều cảm hứng, đồng thời cũng cho thấy các bạn đã và đang thích ứng rất tốt trước những chuyển động của một thế giới số.

* Bà Đàm Bích Thủy, chủ tịch của FUV, từng không ít lần bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp của USAID trong quá trình hình thành và phát triển FUV. Bà có thể cho biết thêm về sự hiện diện của USAID Việt Nam trong bức tranh chung của FUV, thưa bà?

– Chính phủ Mỹ có quan hệ hợp tác lâu dài với FUV. Tiền thân của FUV là chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã đào tạo hơn 1.200 nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam về chính sách công trong hơn hai thập niên.

Những gì mà USAID dành cho FUV là chương trình hỗ trợ quan trọng nhất của chúng tôi trong lĩnh vực giáo dục khai phóng. USAID đã sát cánh cùng FUV kể từ khi trường thành lập năm 2017, qua đó nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo và nghiên cứu.

* Vì sao USAID Việt Nam luôn dành một vị trí quan trọng cho các hoạt động phát triển giáo dục trong danh mục các dự án của mình tại Việt Nam, thưa bà?

– Là một phần trong cam kết của Chính phủ Mỹ với Việt Nam, USAID đang hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đổi mới hệ thống giáo dục ĐH và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Mục tiêu là nhằm đào tạo ra một lực lượng lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng, đáp ứng các nhu cầu của một nền kinh tế đang hiện đại hóa nhanh chóng và thị trường toàn cầu ngày một cạnh tranh.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng so với các nước trong khu vực nhưng Việt Nam vẫn có sự độc đáo riêng trong quỹ đạo phát triển của mình.

Chúng tôi đánh giá cao Luật giáo dục ĐH sửa đổi năm 2018 của Việt Nam, xem đây là một bước đi táo bạo nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục ĐH mang tính cạnh tranh toàn cầu.

ba-ann-marie-yastishock

Bà Ann Marie Yastishock, giám đốc USAID Việt Nam

14,2 triệu USD đổi mới giáo dục ĐH

* Nhìn lại nhiều thập niên qua, bà nhận thấy các dự án hỗ trợ về giáo dục của USAID đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa bà?

– Kể từ năm 2010, các chương trình hỗ trợ của USAID đã góp phần đáng kể vào quá trình đổi mới giáo dục ĐH. Nhiều lãnh đạo ĐH đã tham gia các chương trình đào tạo về phát triển chuyên môn và trở thành những nhà tiên phong trong thực hiện cải cách và đổi mới sáng tạo tại chính trường mình.

Chúng tôi cũng góp phần cải thiện chất lượng đào tạo và quản trị của các ĐH Việt Nam nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế. 6 ĐH và 65 chương trình đã đạt kiểm định cấp khu vực và quốc tế. Hàng ngàn giảng viên đã được tiếp cận với các chương trình nâng cao kỹ năng xây dựng bài giảng, hiện đại hóa phương pháp sư phạm…

Các hoạt động còn thu hút đầu tư về công nghệ mới, các phòng thí nghiệm, các chương trình đào tạo chuyên môn của doanh nghiệp, và nhiều cơ hội học tập theo dự án đến từ các công ty hàng đầu trên thế giới. Trong lĩnh vực giáo dục y tế, các dự án đã đổi mới chương trình đào tạo toàn diện 6 năm cho các bác sĩ y khoa.

Ngoài ra, chúng tôi xây dựng quan hệ đối tác giữa các ĐH Việt Nam và các ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ, trong đó có ĐH Harvard, ĐH bang Arizona, ĐH Indiana và các tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ như Intel, Microsoft, Amazon Web Services, Pearson, Oracle và Cadence…

* Trong thời gian tới, USAID sẽ có thêm những hoạt động nào đáng chú ý tại Việt Nam, đặc biệt là về giáo dục?

– Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 8 vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố hợp tác Đổi mới giáo dục ĐH kéo dài 5 năm do USAID tài trợ với ngân sách tối đa 14,2 triệu USD. Dự án này nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và quản trị tại 3 ĐH vùng và ĐH quốc gia lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, USAID sẽ tiếp tục đầu tư vào hiện đại hóa giáo dục ĐH trong các lĩnh vực ưu tiên, đó là giáo dục khai phóng, công nghệ – kỹ thuật và y khoa. USAID cũng sẽ hợp tác với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để đánh giá môi trường chính sách giáo dục ĐH hiện nay và tìm phương hướng để tiếp tục thực hiện các chương trình đổi mới.